Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hussite Jan Žižka

Năm 1411, Žižka trở về Bohém. Ông trở thành thị thần của vương hậu Žofie[16], vợ vua Václav IV, và dường như có quan hệ tốt với hai người. Ông hay hộ tống vương hậu đến nhà thờ và có lẽ trong hoàn cảnh đó, đã biết đến và tiếp thu các bài giảng của Jan Hus, nhà cải cách tôn giáo mở đầu cho phong trào Hussite.[17] Năm 1415, Jan Huss bị Giáo hội Công giáo Rôma kết tội dị giáo và xử tử hình bằng cách hỏa thiêu, hai năm sau giáo phái Hussite bị rút phép thông công. Việc này gây ra sự phẫn nộ trong các tầng lớp cư dân Bohém vốn có rất đông tín đồ của Huss, kể cả các nhà quý tộc. Nhà thờ Công giáo và triều đình vua Václav đã tiến hành các hoạt động cứng rắn để đàn áp như bắt bớ, xử tử tín đồ, phá hủy các giáo đường. Năm 1419, vua Václav cách chức các nhân sĩ Hussite trong Hội đồng thành phố và trong các giáo đường Praha, thay thế bằng các phần tử Công giáo bảo thủ. Điều này dẫn đến cuộc biểu tình ngày 30 tháng 7, vốn nhanh chóng trở thành một vụ bạo động với kết quả là các thành viên Hội đồng thành phố Praha bị hạ sát bằng cách ném qua cửa sổ. Các diễn biến trên khiến vua Václav bị chấn động mạnh và chết do đột quỵ.[18][19] Ngay lập tức, vua Hungary là Zikmund - em trai của Václav, chụp lấy cơ hội này để đòi thừa kế ngôi vua Bohém. Cuộc chiến tranh Hussite bắt đầu.

Giai đoạn 1419-1421

Tranh minh họa trận Sudoměř của Ferdinand Hetteš.

Không rõ liệu Jan Žižka có tham gia vào cuộc bạo động năm 1419 hay không, nhưng ông đã được bầu làm thủ lĩnh lực lượng vũ trang Hussite tại thủ đô Praha[20]. Ông xua quân tấn công pháo đài Vyšehrad và dễ dàng chiếm được nó - quân giữ thành hầu hết là các bạn cũ của Žižka và đã tình nguyện nộp thành cho ông. Trong khi đó, phe bảo thủ cũng chiếm giữ và củng cố lâu đài của vương gia tại đồi Hradčany. Một vụ thảm sát người Hussite vào tháng 11 năm 1419 châm ngòi cho trận dữ dội đánh nổ ra tại khu vực này, trận chiến gây ra sự tàn phá khủng khiếp đến mức cả hai bên đã chấp nhận ký hòa ước theo đó đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người Hussite, đổi lại phe Hussite phải rút bỏ Vyšehrad. Tuy nhiên, Žižka xem điều nhượng bộ này là sự phản bội của phái Hussite ôn hòa, và ông cùng với một phái Hussite cấp tiến tên là Taborite (lấy theo tên núi Tabor trong Kinh thánh) rời bỏ Praha về đóng quân gần Plzeň, điểm dân cư nằm trên tuyến đường bộ phía Tây của Praha.[21][22][Gc 2]

Žižka ở lại Plzeň khoảng 5 tháng[23] và với cha xứ Mikuláš Koranda bắt tay vào củng cố thành lũy của nơi này. Cùng thời gian đó, quân Hussite đánh Nekmíř. Lãnh chúa Bohuslav xứ Švamberk đem quân đến cứu viện, nhưng bị Žižka đánh bại bằng chiến thuật dùng các "xe bò chiến trận" nổi tiếng - đây là lần đầu tiên các "xe bò chiến trận" được ông sử dụng trên chiến trường.[24][25][Gc 3] Tuy nhiên, sau đó chiến cục trở nên giằng co, đẫm máu và trở nên bất lợi cho phe Hussite. Đến tháng 3 năm 1420, cư dân Plzeň đã ép quân Hussite rời khỏi thành, đổi lại Bohuslav sẽ cho họ rút quân an toàn.[23][27][28][29] Bohuslav "giữ lời hứa" bằng cách huy động một đội quân tập kích đoàn người Hussite đang rút lui. Kết quả là trận Sudoměř nơi Žižka lại dùng các "xe bò chiến trận" để đánh lui kẻ địch đông gấp 5 lần. Chiến thắng này xác lập uy tín và địa vị lãnh đạo của Žižka trong phong trào khởi nghĩa, ngày 27 tháng 3 ông tiến vào thành Tábor và được đón tiếp như một anh hùng. Žižka được bầu làm người chỉ huy quân sự ở địa phương và bắt tay ngay vào việc củng cố các đồn lũy ở Tábor cũng như huấn luyện và tổ chức những người Hussite thành một đội quân có sức chiến đấu cao.[21][30]

Trận Đồi Vítkov, minh họa bởi Adolf Liebscher.

Thanh thế ngày càng lớn của Žižka khiến những người Hussite ôn hòa bắt đầu xem ông là vị cứu tinh trước mối đe dọa của đạo quân Thập Tự của vua Zikmund xứ Hungary đang xâm lược Bohém. Ngày 16 tháng 5 Žižka nhận được thư cầu cứu từ Praha, 2 ngày sau ông cùng một đội quân 9.000 người tức tốc lên đường về thủ đô. Ngày 21 tháng 5, quân Hussite đến Praha và bắt đầu củng cố các đồn lũy quanh thành. Sau đó là một giai đoạn yên tĩnh cho đến giữa tháng 7, khi vua Zikmund huy động toàn bộ quân đội bao vây thủ đô của Bohém. Họ chiếm giữ tất cả các vị trí xung quanh thành phố, trừ một điểm cao tên là Vítkov án ngữ con đường tiếp tế ở phía Đông nơi quân đội của Žižka đã nhanh chân lấy trước. Ngày 14 tháng 7 diễn ra trận chiến tranh giành điểm cao này, và kết thúc bằng một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của Jan Žižka. Thiệt hại của quân Thập Tự không quá lớn, nhưng nó gây suy giảm nghiêm trọng về sĩ khí, cộng với dịch bệnh hoành hành và thái độ thù ghét của nhân dân Bohém, khiến đội quân của vua Zikmund tan rã dần. Đến cuối tháng 7, Zikmund rút quân về Kutná Hora. Tháng 11, pháo đài Vyšehrad rơi vào tay quân Hussite, ít lâu sau đó là Hradčany và các phần phía tây Praha. Tháng 3 năm 1421, quân Thập Tự triệt thoái hoàn toàn khỏi Bohém.[31][32]

Trong khoảng nửa sau năm 1420, Žižka rút khỏi Praha để trở về đại bản doanh tại Tabor. Ngày 22 tháng 8, ông tiến xuống phía Nam để đánh dẹp lực lượng của Oldřich xứ Rožmberk[33], đồng minh quan trọng nhất của vua Zikmund tại Bohém. Ngày 12 tháng 11 Žižka đánh bại Oldřich và tại Panského Boru[34][35]. Ngày 18 tháng 11, Žižka và Oldřich ký hòa ước tại Písek[36]. Sau đó ông lại đến Praha, và ngày 4 tháng 11 đánh chiếm Říčany[37]. Sang đầu năm, Žižka tấn công lãnh địa của đối thủ cũ là Bohuslav xứ Švamberk, buộc ông này phải đầu hàng và nộp thành Stříbro[38]. Žižka tha bổng cho các tù binh, còn chủ tướng Bohuslav thì quy thuận phe Hussite và trở thành một thủ lĩnh của phái Taborite. Tháng 6 năm 1421, vương quốc Bohém thành lập một chính phủ lâm thời với 20 đại biểu, và Žižka là một trong 2 đại biểu đến từ Tabor.[39]

Giai đoạn 1421-1422

Một tranh vẽ minh họa thời Trung Cổ miêu tả Jan Žižka đang chỉ huy quân đội, trong thời điểm này ông đã mù cả hai mắt.

Cũng vào tháng 6 năm 1421, trong chiến dịch vây thành Rabí, một mũi tên đã bay trúng vào mắt trái của Jan Žižka. Ông may mắn thoát chết, tuy nhiên cái giá phải trả là từ nay cả hai mắt ông đều bị mù. Tuy nhiên, điều kì diệu là nó không hề cản trở con đường binh nghiệp của viên tướng già, ông vẫn tiếp tục chỉ huy quân đội cho đến khi mất. Và nó càng không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của ông: vào cuối tháng 7 năm 1421, một đạo quân Đức từ Meissen xâm nhập vào Bohém và bao vây Žatec, tuy nhiên họ đã bỏ chạy khi nghe tin viện binh của Žižka sắp xuất hiện[5][40].

Trong thời gian này, vua Zikmund đang tiến hành cuộc Thập Tự Chinh lần thứ hai nhằm vào Bohém. Đạo quân Thập Tự được chỉ huy bởi Filippo Scolari (còn gọi là Pipo Spano), một viên tướng người Ý từng có kinh nghiệm tham chiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu trước mắt đó là Kutná Hora, thành phố có đa số cư dân gốc Đức và ủng hộ Công giáo, nhưng lại vừa quyết định quy thuận phe Hussite. Quân Thập Tự di chuyển chậm chạp và thậm chí đã nán lại ở thành phố Jihlava (nằm tại biên giới Bohém và Morava) để chờ viện binh đến đủ. Tận dụng sự rề rà này, Žižka đã nhanh chân kéo quân đến chiếm đóng Kutná Hora vào ngày 9 tháng 12. Ngày 21 tháng 12, quân Thập Tự kéo đến chân thành Kutná Hora và chạm trán quân Hussite đang án ngữ ở cửa ngõ ngoài mặt Tây của thành phố. Lợi dụng quân Hussite đang bận chiến đấu ở ngoài thành, Pipo Spano phái một đạo binh bí mật vòng ra mặt Bắc, nơi các nội gián đã mở sẵn cổng thành cho quân Thập Tự tràn vào. Mất Kutná Hora, đạo binh Hussite ở cửa Tây bị rơi vào vòng vây. Trong tình huống hiểm nghèo, thiên tài quân sự của Žižka lại bộc lộ, ông tổ chức một trận đánh phá vây tài tình và đã rút được toàn quân an toàn về phía Kolín.[41][42]

Žižka tại Kutná Hora. Tranh minh họa của Josef Mathauser.

Quân Thập Tự cho rằng phía Hussite sẽ không dám quay lại nên không tiếp tục truy kích. Điều này cho Žižka một thời gian quý báu để dưỡng quân và bổ sung lực lượng. Trong khi đó, do số lượng quân Thập Tự quá đông, vua Zikmund không thể cho toàn quân trú đóng trong Kutná Hora, mà phải chia ra ở nhiều nơi khác. Lợi dụng sự phân tán này, ngày 6 tháng 1 năm 1422 Žižka chủ động phản công và đánh tan khối quân Thập Tự ở Nebovidy. Quân Hussite thừa thắng truy kích đến tận Kutná Hora, khiến vua Zikmund hoảng sợ bỏ chạy. Quân Thập Tự hạ lệnh thiêu hủy thành phố, tuy nhiên do mải mê cướp bóc vơ vét, việc thiêu hủy bị trễ nải và quân Hussite kịp thời có mặt để dập tắt các đám cháy. Cuộc tháo chạy tiếp tục đến khi vua Zikmund tập hợp lực lượng ở Habrů nhằm chống trả, để rồi lại bị đánh tan vào ngày 8 tháng 1. Quân Thập Tự chạy đến Německý Brod (nay là Havlíčkův Brod) thì gặp sông Sázava, chiếc cầu vắt ngang sông không đủ cho những kẻ chạy trốn quá đông nên toàn quân được lệnh cuốc bộ trên mặt sông đóng băng. Thật ra thì con sông không đóng băng hoàn toàn, mặt băng mỏng không chịu nổi số người vượt sông đã vỡ vụn khiến cho vô số binh lính bị nước sông cuốn đi, trong đó có ít nhất 548 hiệp sĩ. Quân Hussite cũng vừa đến nơi và bắt đầu vây hãm thành phố. Các bức tường thành tỏ ra không ích lợi gì nhiều trước đại bác, vì vậy quân thủ thành quyết định đầu hàng. Tuy nhiên trước khi điều đó kịp xảy ra, một nhóm quân Hussite đã bất tuân lệnh chủ tướng, chọc thủng một đoạn chiến lũy và tràn vào thảm sát người dân trong đó.[Gc 4] Vua Zikmund may mắn hơn, thoát thân an toàn về Brno sau một chiến dịch thảm hại nhất kể từ trận Nikopolis năm 1396.[41][43][44]

Giai đoạn 1422-1424

Đài tưởng niệm Žižka tại vị trí được cho là nơi mất của ông. Thực hiện bởi Antonín Wiehl.

Đây là một giai đoạn yên tĩnh. Vua Zikmond sau các thảm bại ở Kutná Hora không dám mở cuộc tấn công nào vào Bohém trong nhiều năm sau, để mặc cho các vương hầu Đức một mình tấn công từ phía Bắc. Cuộc Thập Tự Chinh lần 3 trong tháng 10-11 năm 1422 kết thúc chóng vánh bằng các cuộc đàm phán giữa hai bên mà không xảy ra giao tranh đáng kể nào. Tuy nhiên nền hòa bình này lại có nguy cơ làm tan rã phong trào Hussite, khi các phe phái Hussite chuyển sang đánh lẫn nhau. Žižka một mặt phải dẹp tan các phe phái Hussite bạo loạn, vừa phải chống trả với các thế lực thân Công giáo trong Bohém. Trong mùa hè và mùa thu năm 1422, ông cầm quân tiếp tục đánh dẹp thế lực của Oldřich xứ Rožmberk.[45] Tháng 4 năm 1423, ông đánh tan đạo quân Công giáo của Čeněk xứ Vartemberk tại trận Hořice.[46] Đến tháng 8 cùng năm, mâu thuẫn giữa các phe phái Hussite khiến Žižka bỏ Tabor và chuyển sang miền Đông Bohém để lãnh đạo phái Orebite. Tháng 7 năm 1424, Žižka đánh tan một đạo quân Hussite của phái Praha tại trận Malešov. Chiến thắng này giúp Žižka cũng cố địa vị lãnh đạo phong trào Hussite; không lâu sau đó hai phái Taborite và Orebite làm hòa và cùng nhau đóng vai trò then chốt trong phong trào cho đến hết chiến tranh.[47]

Cuối tháng 9 năm 1424, Žižka lên đường đi viễn chinh ở Morava, và đây là chiến dịch quân sự cuối cùng của ông. Tuy nhiên, trong khi vây hãm thành Přibyslav, ông ngã bệnh và qua đời vào ngày 11 tháng 10 năm 1424. Tương truyền, trước khi mất ông đã yêu cầu người ta lột da của mình và căng lên một cái trống, và cái trống này sẽ luôn được đặt ở đầu hàng quân.[47]

Sau khi Žižka chết, Prokop Lớn trở thành người lãnh đạo quân sự của phong trào.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Jan Žižka http://www.amazon.com/The-Armed-Garden-Other-Stori... http://www.filmneweurope.com/news/czech-news/item/... http://www.todayifoundout.com/index.php/2014/04/ja... http://www.csfd.cz/herec/936-josef-kemr/ http://extrastory.cz/jakl-zacina-tocit-jana-zizku-... http://www.filmavideo.cz/index.php/historie/183-ja... http://kultura.zpravy.idnes.cz/jakl-toci-zizku-0i2... http://www.lidovky.cz/zizka-bojoval-na-nemecke-str... http://www.radio.cz/en/section/curraffrs/jan-zizka... http://www.nam.ac.uk/exhibitions/online-exhibition...